3 triệu năm trước công nguyên
Một bầy người tiền sử tụ tập quanh xác con hươu đã chết. Họ lấy vài mảnh đá dẹt, mài sắc một cạnh, và xẻ thịt con hươu.
Một bầy người khác nhìn thấy, vô cùng ngạc nhiên. Họ nói:
“Tại sao chúng mày lại lấy đá xẻ thịt hươu? Tại sao chúng mày không cúi xuống và cắn thẳng từng miếng. Tay chúng mày yếu đuối, chẳng bẻ được đùi hươu sao? Hàm chúng mày yếu đuối, chẳng nhai được thịt hươu sao?
Bao nhiêu đời nay các cụ vẫn làm như vậy rồi, cấm có sai.”
Và mỗi bên một ý.
Bên dùng mồm thì cúi hẳn xuống, hết sức bình sinh dùng tay và miệng, xé từng miếng thịt và gân hươu dai nhanh nhách. Đến toát mồ hôi hột.
Bên còn lại, dùng cái gọi là công cụ, nhẹ nhàng luồn lưỡi dao đá vào từng thớ thịt, xẻ thành từng miếng. Lẹ làng. Nhanh gọn. Chẳng mấy chốc mà từng người trong bầy đã có phần thịt của mình, được cắt thành từng miếng vừa miệng. Ăn một lúc là xong. Xách đít đi chỗ khác, tìm con hươu khác.
Nhóm dùng công cụ, họ tốn ít thời gian và năng lượng hơn để làm những việc sinh tồn cơ bản. Dần dà, họ chiếm ưu thế, và nhóm dùng mồm chỉ còn là vệt mờ trong dòng chảy tiến hoá.
1 triệu năm trước công nguyên
Một nhóm người tụ tập quanh xác con hươu đã chết. Họ lấy vài que củi, mài chúng vào nhau cho đến khi bốc khói. Một thứ bập bùng nóng rực xuất hiện. Họ treo thịt hươu lên trên, nhìn từng miếng thịt bốc khói nghi ngút và phát ra tiếng xì xèo.
Một bầy người khác nhìn thấy, vô cùng ngạc nhiên. Họ nói:
“Tại sao chúng mày lại giơ đồ ăn lên cái thứ thảm hoạ đó? Cái thứ đấy đã giết bao nhiêu người bọn tao. Tại sao chúng mày không ăn luôn cho nhanh?
Bao nhiêu đời nay các cụ vẫn làm như vậy rồi, cấm có sai.”
Và lại mỗi bên một ý.
Bên ăn sống thì trệu trạo nhai từng miếng thịt hươu. Dai nhanh nhách. Đến toát mồ hôi hột. Đã từng có người ăn xong thì kêu la oai oái, bảo là có ma quỷ trong bụng. Kêu la được vài hôm thì qua đời.
Bên còn lại, dùng cái gọi là lửa, nhẹ nhàng nhai từng miếng thịt hươu nướng thơm ngào ngạt. Ăn xong, trời tối, họ ném thêm củi vào cho lửa ăn. Lửa lớn, thú dữ không dám đến gần. Lửa lớn, mùa đông không lo lạnh.
Nhóm dùng lửa, họ tốn ít năng lượng hơn cho việc tiêu hoá, họ có nguồn sáng để sinh hoạt ban đêm, họ có nguồn nhiệt để sống sót qua mùa đông khắc nghiệt. Dần dà, họ chiếm ưu thế, và nhóm còn lại chỉ còn là vệt mờ trong dòng chảy tiến hoá.
10000 năm trước công nguyên
Một nhóm người tụ tập quanh một bãi đất hoang. Họ chọc vài lỗ xuống đất, thả vào đó vài hạt giống, rồi lấp lại, đổ chút nước lên trên. Cứ vài ngày, họ lại quay lại kiểm tra, đổ thêm chút nước. Vài tuần trôi qua. Hạt nảy mầm. Cây mọc lên, trông như cỏ. Vài tháng trôi qua. Cây cỏ ngả vàng, trĩu xuống, quanh thân toàn hạt là hạt. Nhóm người tụ tập, lấy hạt về nhà. Họ cho hạt vào nước, đun lên. Thế là họ có cơm.
Một nhóm người khác nhìn thấy, vô cùng ngạc nhiên. Họ nói:
“Tại sao chúng mày lại ăn cái thứ cỏ rác đó? Nhìn bọn tao đi. Bọn tao ngao du phiêu bạt khắp vùng này, hái được cơ man là quả mọng và hạt dẻ, săn được bao nhiêu là thỏ và nai. Bọn tao không chui rúc một chỗ như lũ yếu đuối bọn mày.
Bao nhiêu đời nay các cụ vẫn làm như vậy rồi, cấm có sai.”
Và lại mỗi bên một ý.
Bên săn bắt hái lượm, sức họ có hạn, họ chỉ có thể phiêu bạt được một vùng nhất định trong khoảng cách đi bộ trong ngày. Thú vật lúc có lúc không. Cây trái phải đợi theo mùa. Lúc nào cũng phải di chuyển đến nơi có đồ ăn. Có năm họ hái lượm săn bắt được nhiều, dư dả thực phẩm, có thức ăn nuôi thêm con. Đến năm sau đó, thú chưa kịp đẻ, cây chưa kịp hồi, nạn đói xảy ra. Thế là trẻ con chết yểu. Người già ngã bệnh. Nhóm người đó chẳng thấy đông đúc lên được bao giờ.
Bên còn lại, làm cái gọi là nông nghiệp, tự trồng được nguồn thức ăn thay vì phải phiêu bạt và sục sạo thiên nhiên. Trồng nhiều thì thu hoạch nhiều. Dư dả đồ ăn, đẻ con sòn sòn. Từ một nhóm người, đông đúc dần lên, thành một làng. Rồi thành một bộ tộc, rồi bộ lạc, rồi một xã hội con con.
Nhóm làm nông, họ làm ra được nhiều thức ăn hơn trên cùng một khu vực, họ có tài nguyên để sinh con và nuôi con, họ tụ tập thành những nhóm đông đúc, tương tác qua lại với nhau khăng khít. Dần dà, họ chiếm ưu thế, biến thành những nền văn minh đầu tiên, còn nhóm săn bắt hái lượm chỉ còn là những vệt mờ trong dòng chảy tiến hoá.
3000 năm trước công nguyên
Một người chăn cừu cầm một tấm đất sét, lấy một thanh gỗ, khắc vào tấm đất sét mấy hình thù kì lạ. Cứ vài ngày, ông lại cầm tấm đất sét và quan sát đàn cừu của mình. Có vài con cừu con mới đẻ. Ông khắc thêm vài nét vào tấm đất sét. Có một ngày, ông mổ thịt hai con cừu để mừng đứa con mới sinh. Ông lại khắc thêm vài nét vào tấm đất sét. Thông tin giờ không chỉ nằm trong đầu ông, mà còn nằm trên tấm đất sét.
Một người khác nhìn thấy, vô cùng ngạc nhiên. Anh ta nói:
“Ông làm cái trò dị hợm gì vậy? Ông không nhớ nổi ông có bao nhiêu con cừu à? Ông không nhớ nổi bao nhiêu con mới được sinh ra mùa đông vừa rồi, bao nhiêu con ông giết thịt à? Cố mà ghi nhớ bằng óc đi, đồ già khú đãng trí.
Bao nhiêu đời nay các cụ vẫn làm như vậy rồi, cấm có sai.”
Và lại mỗi bên một ý.
Người chăn cừu nhớ bằng trí óc, khi mà cuộc đời anh ta cứ kéo dài qua năm tháng, càng nhiều thứ anh ta phải ghi nhớ cẩn thận. Cẩn thận đến từng chi tiết. Nhân vô thập toàn. Có lúc anh ta nhớ nhầm, thế là công việc bung bét hết cả. Rồi anh ta già đi. Như bao người khác. Rồi anh ta cũng già khú và đãng trí. Anh ta chẳng còn nhớ nổi tháng trước có mấy con cừu non mới đẻ. Anh ta chẳng thể nhớ chính xác, để mà truyền lại cho con anh ta.
Người chăn cừu còn lại, dùng cái gọi là chữ viết, mã hoá được thông tin dưới dạng ký tự. Thông tin được mã hoá và ghi lại, chỉ cần bảo quản cẩn thận là không thể sai lệch. Con ông ta có thể nhận lại tấm đất sét của cha mình, đảm bảo rằng thông tin vẫn vẹn nguyên. Một tấm đất sét có thể được sao chép thành nhiều bản, đem thông tin đến cho cả họ hàng và cháu chắt ông ta.
Những dân tộc có chữ viết, họ đã được giải thoát khỏi giới hạn sinh lý của họ. Họ không cần phải cố nhớ mọi sự kiện. Họ không cần phải truyền đạt mọi kiến thức bằng lời. Họ có thể lưu giữ những ký ức, kinh nghiệm và kiến thức của họ, để lại nguyên vẹn cho người khác. Nền văn minh của họ tiến bộ vượt bậc. Những dân tộc không có chữ viết, sống ổn định qua ngày, hoặc là bị chinh phục bởi những kẻ phát triển mạnh mẽ hơn.
Năm 1500 công nguyên
Một người đàn ông cầm mấy khối gỗ, khắc thành hình chữ viết, bôi bôi chút mực lên, xếp từng khối gỗ cạnh nhau, và rồi ép tờ giấy lên trên đống gỗ đó. Và thế là tờ giấy đã được phủ đầy chữ. Ông ta lặp lại việc ép tờ giấy lên đống gỗ xếp sẵn, mỗi lần chỉ tốn chút thời gian. Chẳng mấy chốc mà ông ta đã có một tập giấy đầy chữ là chữ. Kẹp tập giấy lại, đóng gáy, rồi đem đi bán. Cuốn sách có tên Kinh Thánh.
Một mục sư nhìn thấy, vô cùng ngạc nhiên. Mục sư nói:
“Ông làm cái trò dị hợm gì vậy? Ông kém cỏi đến mức không chịu luyện tập để có được kĩ năng thư pháp như tôi. Ông lười biếng đến mức không chịu tự tay chép lời của Chúa. Ông làm sao mà cảm nhận được phước lành lan toả trong cơ thể khi vừa nhẩm lời răn vừa nắn nót truyền lại lời thánh cho con chiên.
Bao nhiêu đời nay các cụ vẫn làm như vậy rồi, cấm có sai.”
Vẫn vậy, mỗi bên một ý.
Người mục sư chép Kinh Thánh bằng tay, dù có lao tâm khổ tứ quên ăn quên ngủ, một năm cũng chỉ chép được ba bốn quyển. Có lúc mệt quá, lỡ viết sai một từ, thế là phải bỏ cả trang và chép lại vô cùng nhọc công. Một năm được có vài ba quyển, lại còn phải nuôi ông mục sư tối ngày chép sách, thế là sách có giá trị vô cùng. Tất lẽ dĩ ngẫu, dân trong thị trấn mãi chẳng tới lượt được cầm một cuốn. Sách lúc đó là đặc quyền của giới tăng lữ và nhà giàu.
Người còn lại, dùng cái gọi là máy in, có thể sản xuất sách báo với năng suất cao khủng khiếp và giá thành rẻ. Ai ai cũng có thể mua được sách. Ai ai cũng có thể mua báo. Ai cũng có thể xuất bản. Có báo chí, tin tức sốt dẻo lan truyền tới công chúng nhanh chóng mặt. Giới học thuật thoải mái làm giàu từ việc biến kiến thức của họ thành sách. Có sách vở ê chề, dân chúng được tiếp cận nguồn kiến thức khổng lồ, nâng cao mặt bằng chung của dân trí.
Những xã hội có máy in, họ đưa độ phủ sóng của thông tin và kiến thức lên tầm cao mới. Người dân của họ tiếp cận được nhiều thông tin hơn với giá rẻ hơn, thúc đẩy sự phát triển về học thuật, văn hoá và tư tưởng. Những xã hội không có máy in, tốc độ phát triển có phần chậm hơn, dần dà trở nên bất lợi.
Năm 1700 công nguyên
Một người phụ nữ đặt đống sợi lên máy kéo, rồi gạt cần. Hơi nước toả ra, nóng nực. Chiếc máy kéo hàng chục sợi vải, biến chúng thành từng cuộn vải ngay ngắn. Cứ thế, đều tăm tắp.
Một người phụ nữ khác nhìn thấy, vô cùng ngạc nhiên. Cô nói:
“Quả là một quý cô lười biếng. Tại sao cô lại phải phụ thuộc vào cái thứ máy móc này? Tại sao cô không tự kéo sợi? Cô có biết rằng, tôi đã phải tập kéo sợi hàng chục năm. Giờ tay tôi kéo sợi nhanh hơn bất cứ ai trong làng này. Đây không chỉ là công việc đâu, nó còn là một nghệ thuật đấy.
Bao nhiêu đời nay các cụ vẫn làm như vậy rồi, cấm có sai.”
Vâng, vẫn là mỗi bên một ý.
Người phụ nữ tự lực tự cường, dù có cố gắng đến mấy, khoẻ đến mấy, cũng chỉ kéo được một lượng sợi trong một tuần. Cô không thể đơn giản là ăn nhiều gấp 3 thì sẽ làm ra gấp 3 được. Việc lao động bằng sức người, vẫn có giới hạn của nó.
Người phụ nữ còn lại, cô dùng động cơ hơi nước. Cô không dùng sức người, mà mượn sức mạnh của than, của dầu, của gỗ, hay nói rộng ra, là năng lượng mà mặt trời gửi gắm trong thiên nhiên, để biến thành sức kéo cho máy móc. Cô cho máy móc ăn gấp 3 lần than, nó sẽ làm việc gấp 3 thời gian. Chỉ cần cô và đống máy móc, cô làm ra lượng sợi vải bằng cả trăm người.
Những xã hội có động cơ hơi nước, bước đến giai đoạn công nghiệp hoá sớm hơn. Xã hội công nghiệp cho phép sản xuất hàng loạt, ở quy mô lớn, hỗ trợ dân số lớn, tăng lượng của cải trong xã hội. Những xã hội không kịp tiến lên công nghiệp hoá, dần bị bỏ lại phía sau, và rồi sẽ chịu nhiều đau thương khi bị chiếm đóng với mục đích thuộc địa.
Năm 1970 công nguyên
Một thanh niên văn phòng, gõ gõ lên bàn phím vài con số và chữ cái. Anh ta nhập thêm vài chỉ dẫn, và rồi gõ Enter. Báo cáo chi tiêu của phòng ban anh ta đã được tính toán xong, từ đống dữ liệu hoá đơn mà anh ta vừa nhập vào. Chi tiêu theo ngày, theo từng người, theo từng loại. Ngay trong chớp mắt.
Một ông chú bên cạnh nhìn thấy, vô cùng ngạc nhiên. Ông chú nói:
“Bọn trẻ ranh chúng mày, giờ lười biếng đến mức không chịu tự cộng hoá đơn mà tính cho tử tế. Mày có biết chú là người tính nhẩm nhanh nhất cái văn phòng này không?
Bao nhiêu đời nay các cụ vẫn làm như vậy rồi, cấm có sai.”
Mỗi bên một ý, chắc chắn rồi.
Ông chú đó, khi mà đống giấy tờ chồng chất vào mùa cao điểm, ngày nào cũng than thở ỉ ôi vì nhiều việc. Có lúc, ông chú cộng sai một chỗ nhỏ, khiến cho cả bảng tính sai hết, phải làm lại từ đầu. Làm mãi không hết việc.
Anh thanh niên, dùng cái gọi là máy tính, tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức khỏi những việc lặp đi lặp lại. Ngoài ra, máy tính có độ chính xác và tốc độ xử lý cao hơn con người rất nhiều. Một máy tính có thể làm vài tỷ phép tính một giây, còn con người giỏi lắm thì làm được hơn chục phép tính là cùng. Vì vậy, kết quả công việc của anh chàng dùng máy tính luôn đáng tin cậy và nhanh chóng.
Những người dùng máy tính, hay nói rộng ra là tận dụng sức mạnh của điện toán, có thể xử lý công việc với tốc độ và độ chính xác nhanh gấp bội. Họ như có một trợ lý, chẳng biết gì ngoài giỏi tính toán, luôn ở bên mình và luôn đáng tin cậy. Họ không còn phải làm những việc chân tay lặp đi lặp lại tốn thời gian, từ đó họ dư thời gian để làm được nhiều thứ hơn, học được nhiều thứ hơn, và làm những thứ cao cấp hơn.
Năm 2022 công nguyên
AI giống như một trợ lý, và hơn máy tính điện toán thông thường, nó biết tư duy và xử lý thông tin (ở một mức nhất định).
Và bạn có thể tự đoán được đoạn này sẽ mình sẽ viết gì rồi đó =)))))
Cảm ơn bài viết của Tengaria ạ, tuy nhiên cho mình góp ý một xíu ạ. Hiện tại mới chỉ có Trước Công Nguyên và Công Nguyên. Vẫn chưa có sau Công Nguyên, nếu thông tin của mình có sai lệch rất mong được cập nhật thêm kiến thức ạ
Ui, nghe giọng văn châm biếm như là Oddly Normal :v anw bài viết cực cuốn ạ